Giới thiệu về bánh đa cua – đặc sản Hải Phòng

Bánh đa cua được ví như là biểu tượng riêng của người đất cảng, có mặt từ lâu đời. Làng Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng là một trong những nơi đang lưu giữ truyền thuyết về món bánh đa cua.

Bánh đa được làm bằng gạo ngon, xay thành bột mịn, tráng mỏng đều, phơi vừa khô thì cắt ra thành sợi. Bánh đa có loại sợi nhỏ và sợi to, màu trắng hoặc màu đỏ( gọi là bánh đa đỏ). Sợi to thì bề ngang khoảng nửa đốt ngón tay. Thực khách, ai thích ăn loại gì, thì có loại đấy, nhưng phần nhiều người ta thích ăn loại bánh đỏ, vì trông bát canh vừa đẹp mắt, vừa gợi thú thèm ăn.

Cái món giản dị này gắn bó với người dân Hải Phòng từ sáng đến đêm, từ đông chí hạ. Du nhập sang nhiều vùng đất khác, nó được trang điểm thêm nhiều thứ ngon, bổ, cầu kỳ hơn nhưng bát bánh đa cua Hải Phòng vẫn luôn gợi nhớ trong lòng người xa quê một hương vị rất đặc trưng.

Nguyên liệu chế biến bánh đa cua không có gì là cao sang, đắt đỏ. Chỉ  với những sản vật từ vùng quê như cua đồng, lá lốt, tôm, rau muống,… qua bàn tay khéo léo , tỉ mỉ của các bà các mẹ mà đã trở thành đặc sản. Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ cả năm màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và màu vàng ruộm của hành khô phi. Chính cái màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, mặn mòi ấy đã níu chân thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *